Hồi kết cuộc của âm mưu ám sát Claus von Stauffenberg

Bây giờ, bức màn kéo lên cho hồi kết cuộc.

Khoảng 9 giờ tối, nhóm âm mưu tê tái nghe đài phát thanh loan báo Lãnh tụ sẽ phát biểu với nhân dân Đức đêm hôm ấy. Ít phút sau, có tin Tướng von Hase chỉ huy quân đội Berlin, người đã điều động Thiếu tá Remer – giờ là Đại tá – đi làm nhiệm vụ, đã bị bắt, còn Tướng Reinecke được SS hỗ trợ đã nắm quyền chỉ huy tất cả lực lượng ở Berlin và đang chuẩn bị tiến chiếm tổng hành dinh Dân quân ở Phố Bendlerstraße.

Cuối cùng, lực lượng SS đã động quân, phần lớn là nhờ Otto Skorzeny, sĩ quan chỉ huy SS cương nghị lúc trước đã giải cứu Mussolini. Không được biết chuyện gì đang xảy ra ngày ấy, Skorzeny đã đáp chuyến tàu đêm tốc hành đi Wien, nhưng giữa đường con tàu bị chặn lại. Tướng SS Schellenberg, nhân vật số 2 của lực lượng SD kêu gọi ông xuống tàu. Skorzeny thấy tổng hành dinh SD trong tình trạng hoảng loạn, nhưng là người có máu lạnh và có tài tổ chức, ông nhanh chóng tụ họp được một số binh sĩ để hành động. Chính ông là người thuyết phục các đơn vị thiết giáp giữ lòng trung thành với Hitler.

Hành động đáp trả năng nổ ở tổng hành dinh Rastenberg, đầu óc lanh lẹ của Göbbels trong việc thuyết phục Remer và sử dụng đài truyền thanh, sự hồi sinh của lực lượng SS ở Berlin, tình trạng hoang mang và bất động đến khó tin của nhóm âm mưu – tất cả đã khiến cho nhiều sĩ quan Quân đội khi sắp gia nhập hoặc đã gia nhập vụ nổi dậy phải thối lui. Trong số này có Tướng Otto Herfurth, tham mưu trưởng của Tướng Kortzfleisch đã bị bắt. Kortzfleisch ban đầu hợp tác trong âm mưu để tập họp binh sĩ, rồi khi thấy tình hình không ổn đã xoay chuyển tư tưởng, gọi điện cho tổng hành dinh của Hitler lúc 9:30 giờ tối để nói rằng mình đang trấn áp quân nổi dậy. Nhưng việc này cũng không giúp ông thoát khỏi án tử hình.

Tướng Fromm, sau khi bị nhóm âm mưu bắt giữ vì từ chối cộng tác với họ, bây giờ tự lo cứu thân mình. Lúc 8 giờ tối, sau khi đã bị quản thúc được 4 tiếng đồng hồ, ông xin phép trở về phòng riêng của mình ở tầng dưới. Lấy danh dự của một quân nhân, ông hứa sẽ không tìm cách trốn thoát hoặc bắt liên lạc với bên ngoài. Tướng Hoepner đồng ý. Trước đấy, ba vị tướng dưới quyền Fromm đã đến, đã từ chối tham gia âm mưu, và yêu cầu cho gặp thủ trưởng. Điều khó hiểu là họ được phép đi gặp Fromm trong phòng riêng ông này, dù cả ba cũng đang bị quản thúc. Fromm nói cho ba người biết về một lối ra ít khi được sử dụng, qua đấy họ có thể trốn thoát. Vi phạm lời hứa danh dự của mình, ông ra lệnh cho 3 vị tướng tổ chức quân hỗ trợ, chiếm lấy tòa nhà, giải thoát ông và dập tắt nhóm nổi dậy. Ba người lẻn ra ngoài mà không ai hay biết.

Rồi có một số sĩ quan cấp thấp dưới quyền Olbricht, lúc trước tham gia âm mưu hoặc còn đang lưỡng lự, bây giờ đã nhận ra tình hình: họ sẽ bị treo cổ nếu âm mưu thất bại mà họ không chống lại kịp thời. Một nhóm 6-8 người trong số này mang vũ khí đến tìm Olbricht và yêu cầu ông này giải thích tự sự. Stauffenberg đến xem việc gì đang xảy ra và bị nắm giữ. Khi cố tìm cách thoát thân, ông bị bắn vào cánh tay – do một tiếng súng duy nhất. Rồi nhóm chống nổi dậy nổ súng tứ tung nhưng không bắn trúng ai khác. Họ xục xạo rồi gom nhóm âm mưu lại. Beck, Hoepner, Olbricht, Stauffenberg, Haeften và Mertz bị đưa vào văn phòng của Fromm

Rồi Fromm xuất hiện. Ông nhanh chóng quyết định diệt trừ nhóm người này không những để xóa mọi chứng cứ – vì tuy ông từ chối can dự tích cực vào âm mưu mà ông đã biết từ nhiều tháng trước, ông đã che chở và không cáo giác họ – mà còn để lấy lòng Hitler. Ông tuyên bố "nhân danh Lãnh tụ" ông đã triệu tập một phiên xử của "tòa án binh" (không có chứng cứ gì về chuyện này) và phiên tòa đã tuyên án tử hình đối với Đại tá Mertz của Bộ Tham mưu, Tướng Olbricht, Đại tá Stauffenberg, và Trung úy Haeften.

Với cánh tay còn nguyên vẹn bây giờ đẫm máu vì vết thương, Stauffenberg cùng ba người kia bị dẫn ra ngoài. Trong khoảng sân, dưới ánh sáng lờ mờ của một chiếc xe quân đội với vải đen phủ ngoài hai đèn pha, bốn người bị xử bắn một cách chóng vánh. Có vài sự lộn xộn và tiếng hô to, phần lớn là từ đám lính canh muốn làm cho nhanh vì sợ không kích – máy bay Anh vần vũ trên bầu trời Berlin hầu như mỗi đêm vào mùa hè này. Stauffenberg hô lên trước khi bị bắn: "Nước Đức thiêng liêng muôn năm!"